Test Footer 2

Oezil đang thể hiện vai trò thực sự của một người kiến tạo

Có một sự thật, Mesut Oezil là chân chuyền hay nhất thế giới lúc này. Nhưng bằng cách nào, một cầu thủ mỏng cơm, vừa trải qua 2 năm đầu biến động tại giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới lại trở nên mạnh mẽ và đáng sợ đến vậy?

Oezil đang thể hiện vai trò thực sự của một người kiến tạo

Oezil là vua kiến tạo ở châu Âu với 16 đường chuyền thành bàn

Hãy chú ý chi tiết này: Oezil là vua kiến tạo ở châu Âu với 16 đường chuyền thành bàn, nhưng Arsenal là một trong những đội tạo ra ít cơ hội ăn bàn nguy hiểm nhất Premier League thua cả Chelsea, chỉ 2,8 lần/trận. Nghĩa là, xác suất ăn điểm của Arsenal mỗi khi bóng tìm đến tiền đạo từ chân Oezil là rất cao. Đấy chính là điểm khác biệt của Oezil so với những “số 10” còn lại. Mục tiêu đưa bóng lên trên của Oezil rõ ràng hơn bao giờ hết: Đã chuyền là gần như có bàn! Kiểu “kiến tạo” mới ra đời từ đây.

THẾ NÀO LÀ “KIẾN TẠO”?

Cách tính chỉ số “kiến tạo” của các nhà cung cấp dữ liệu bấy lâu nay được mặc định hiểu là người thực hiện đường chuyền cuối cùng trong đợt tấn công trước khi bóng tìm đến mảnh lưới. Nếu loại bỏ những bàn ghi từ chấm đá phạt hoặc các bàn phản lưới, có thể nhận định: Mọi bàn thắng đều bắt nguồn từ đường phát động tấn công của ai đó.

Nhưng cũng vì tiêu chí đánh giá quá khái quát ấy mà đôi khi, xuất hiện những nhầm lẫn về “kiểu kiến tạo”. Đơn cử như việc barem chấm điểm ấy không tính đến những pha lập công mang đậm dấu ấn cá nhân, đi bóng qua cả rừng người mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào từ đồng đội.

Những bàn thắng như thế hẳn nhiên chẳng tồn tại yếu tố “kiến tạo” nào. Một ví dụ: Khi Harry Kane mở tỷ số trận Tottenham thắng Southampton 2-0 vòng 17 ngoai hang anh, anh nhận bóng từ giữa sân, vượt qua 3 hậu vệ rồi đánh bại Gazzaniga. “Đường chuyền” trước ấy của Alli chỉ là “nỗ lực”, chứ không thể gọi là “kiến tạo có chủ đích”.

Nghiễm nhiên là hệ thống tính điểm của Opta vẫn chấm “1 kiến tạo” cho Alli. Và lỗ hổng của cách nhận diện, phân loại các chân chuyền hay nhất này lộ ra. Mùa trước, 8/18 kiến tạo của Fabregas bắt nguồn từ những đường chuyền dài trên 20m, tiền đạo (cụ thể là Costa) phải khống chế, đi bóng vài nhịp rồi mới dứt điểm được. Những pha kiến tạo kiểu vậy chưa đạt tới tầm chuẩn mực của “kiến tạo”. Bao năm qua, giới mộ điệu không rõ Fabregas là số 10, số 4 hay số 6 chính vì lẽ này.

CHUYỀN BÓNG “KIỂU OEZIL”

Nói thế để thấy, chẳng ngẫu nhiên mà Oezil chuyền bóng “dễ dàng” đến vậy. Chìa khóa nằm ở đây: Phần lớn bóng từ chân Oezil đều hướng đến khu cấm địa hoặc vòng 5m50. Mọi thứ không đơn giản là chuyền cho tiền đạo, tiền đạo ghi bàn rồi tên mình xuất hiện trên danh sách kiến tạo. Với Oezil, “kiến tạo” là đặt người dứt điểm vào không gian rộng nhất, góc sút thoáng nhất, cự ly gần khung thành nhất, đồng nghĩa với tỷ lệ ăn bàn cao hơn. Không đơn thuần là “cơ hội”, Oezil gọi đó là “cơ hội thật sự” - từ chuyên môn là BC (viết tắt của Big Chances).

Mùa này, 19/98 cơ hội Oezil tạo ra là những BC, đạt hiệu suất 20%. Tỷ lệ này của một năm về trước là 7% (7/74). Thay đổi của Oezil dẫn tới kết quả đầy tích cực, là số bàn thắng Arsenal ghi được từ các BC của Oezil tăng từ 3 lên 13. Thật ngắn gọn, phần lớn kiến tạo của Oezil đều đưa bóng vào vòng cấm địa hoặc sâu hơn. Bóng, qua chân Oezil, xuất hiện trong khu 16m50 mang tính sát thương vượt trội.

Rõ ràng, hệ số an toàn từ cách chuyền mới của Oezil đảm bảo cơ hội chiến thắng cao hơn. Cá biệt, trong hai trận gặp Bournemouth (vòng 19) và Newcastle (vòng 20), 13/14 tình huống Oezil chuyền nguy hiểm đều là những BC, 4 trong số ấy rót thẳng vào vòng 5m50.

Premier League không chỉ có Oezil chuyền giỏi. Song tuyệt nhiên, không một “kiến trúc sư” nào có thể học được cách chuyền của tiền vệ người Đức. Đấy lại là tuyệt chiêu khác của Oezil. Nhờ tinh chỉnh chiến thuật của HLV Wenger mà mùa này, việc của Oezil là quán xuyến khoảng không trực diện cầu môn đối phương. Anh không phải dạt biên, liên tục đua tốc độ và thực hiện hàng loạt động tác giả. Nhờ đó mà sức bền của Oezil tốt hơn và nó giúp anh đủ tỉnh táo để đưa ra những cú chọc khe trứ danh ở tần suất cao. Theo thống kê, 54,7% thời gian Oezil đứng trước khu vực 16m50, trong khi của De Bruyne (đứng thứ 2 trong danh sách kiến tạo) chỉ là 32,8%.

XỨNG DANH “VUA KIẾN TẠO”

Vốn đã nguy hiểm, nay lại tiếp tục nâng cấp kỹ năng tinh xảo, Oezil đang tạo ra khoảng cách rất lớn với các tiền vệ sáng tạo còn lại ở xứ Sương mù. Qua 21 vòng, 17% đường chuyền cuối cùng của Oezil (trước khi đợt tấn công kết thúc bằng một pha dứt điểm) được đồng đội cụ thể hóa thành bàn, gấp đôi mức trung bình của 19 CLB còn lại. Riêng số lần dọn cỗ của Oezil lớn hơn mức của 11 đội ở giải Ngoại hạng. Quá dễ hiểu, khi các đường chuyền của Oezil luôn đưa bóng tiến sát khung thành hơn người khác.

Còn gương mặt nào đủ tầm sánh ngang Oezil của Arsenal bị bỏ sót không? Giả như hệ quy chiếu là tỷ lệ tạo ra BC, hiệu suất của người đứng ngay sau Oezil là David Silva mới ở mức… 8%. Đành rằng tuổi tác là gánh nặng với Silva nhưng đừng quên cả hai lần vô địch Premier League cùng Man City, không chỉ số chuyền bóng nào của Silva tốt hơn Oezil thời điểm này!

Oezil đang thực sự thổi hồn vào tập thể “Pháo thủ”. Khi anh lầm lì, khoa học và chính xác, Arsenal vững chắc hơn – đặc tính vốn không dành cho đội bóng nổi tiếng chơi theo bản năng như họ. Vẫn còn đó những sai sót nhưng nhìn chung, Arsenal là đội ổn định nhất Premier League lúc này. Họ chà đạp thành Manchester, giật lấy điểm số từ các đội yếu trong khi Chelsea, Liverpool thường sảy chân.

Arsenal đang mơ một giấc mơ có thật: Vô địch Premier League. Muốn vậy, họ phải tiếp tục lì lợm như những ngày đã qua. Điều kiện cần và đủ cho xác suất này kéo dài tới hết tháng 5 là một Oezil khỏe mạnh. Việc này, chỉ Wenger và Oezil hiểu cách xử trí, tất nhiên cần cả chút may mắn.

Share on Google Plus

About Nặc danh

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét