- Tường thuật trực tiếp tỷ số, livescore bóng đá.
- Thông tin nhanh và chính xác các keo bong da các giải đấu trong nước và quốc tế.
Một tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: USNI |
Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp trên Biển Đông vốn được coi là nguồn cá, dầu, khí, tự do hàng hải. Tuy nhiên, có thể còn một yếu tố khác khiến khu vực này đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc, đó là dọn đường cho hạm đội tàu ngầm nước này.
Theo cây bút Andrew Browne của WSJ, đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, việc bồi đắp và cải tạo quy mô lớn tại Biển Đông còn có nguyên nhân xuất phát từ cái gọi là "Giấc mơ Trung Quốc".
Sau khi lên nắm quyền năm 2012, nhiệm vụ trung tâm của ông Tập là đưa Trung Quốc trở thành nước lớn ngang tầm với Mỹ, từ đó triển khai sức mạnh quân sự ở vùng biển lân cận và xa hơn nữa. Chính vì vậy, ông Tập cho tiến hành xây đảo nhân tạo ồ ạt trên các bãi đá ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Dọn đường cho tàu ngầm
Theo Nikkei Asian Review, Trung Quốc đang đặt căn cứ tàu ngầm hạt nhân tại đảo Hải Nam, gồm 4 chiếc được trang bị để phóng tên lửa đạn đạo. Tàu ngầm hạt nhân được coi là vũ khí phản kháng của Trung Quốc nếu cuộc chiến hạt nhân nổ ra. Trung Quốc đang đóng tàu ngầm lớp Jin mới và muốn hoàn thành ba tàu loại này trước năm 2020. Bắc Kinh cũng có kế hoạch triển khai một trong số đó ở Biển Đông.
Cây bút Will Englund của Washington Post đánh giá tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc không có giá trị thực tiễn trong tranh chấp với các nước nhỏ như Việt Nam và Philippines. Có thể nói mục đích gần như duy nhất của chúng là ngăn chặn tấn công từ Mỹ hay đối trọng với vũ khí hạt nhân của Ấn Độ.
Brad Glosserman, tại văn phòng Honolulu của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, cho rằng một trong những lý do khiến Trung Quốc ra yêu sách chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông là mong muốn đẩy hải quân Mỹ ra khỏi khu vực.
Đường bờ biển Trung Quốc bao quanh bởi biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông, và Biển Đông. Điều này có nghĩa là, muốn đến Thái Bình Dương và xa hơn thì tàu Trung Quốc phải đi qua eo biển tương đối hẹp, được bao quanh bởi Nhật Bản, Philippines, Singapore, Malaysia hay Indonesia.
Ngay cả trước khi Mỹ cân nhắc về việc tuần tra xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng tại Biển Đông, thì Bắc Kinh đã cho rằng tàu thuyền và máy bay Mỹ thường xuyên theo dõi tàu ngầm Trung Quốc. Bắc Kinh "rất lo ngại" về việc Mỹ thu thập tình báo ở Biển Đông, Wu Shicun, chủ tịch của Viện Nghiên cứu Biển Đông hôm 14/5 nói.
Bắc Kinh hồi tháng 3/2009 từng cáo buộc tàu Mỹ USNS Impeccable vi phạm luật quốc tế và do thám hoạt động tàu ngầm của Bắc Kinh, sau khi Lầu Năm Góc tố 5 tàu Trung Quốc quấy rối tàu nước mình.
Vấn đề của Trung Quốc là tàu ngầm hạt nhân nước này quá ồn ào để có thể tránh bị phát hiện. Vì vậy, Bắc Kinh phải tìm ra cách hợp lý hóa tuần tra thường kỳ, ngay cả trong thời bình. Tàu ngầm Trung Quốc không thể nằm mãi ở bến cảng vì nếu bất ngờ có khủng hoảng, Bắc Kinh sẽ trở tay không kịp. Họ cũng không thể để tàu ra biển, vì quân đội Mỹ sẽ có thể theo dõi nhất cử nhất động.
Bằng cách hiện thực hóa yêu sách đường 9 đoạn phi lý ở Biển Đông, Bắc Kinh sẽ dọn đường, giúp tàu ngầm Trung Quốc dễ dàng ra vào Thái Bình Dương mà không quá lộ liễu, từ đó ngăn chặn được nguy cơ bị do thám, Glosserman nói.
Quan chức quốc phòng và ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh không có ý định hạn chế tàu thuyền các chuyến bay qua khu vực, miễn là những việc này "phù hợp với luật pháp quốc tế". Tuy nhiên, Zhou Bo, một quan chức ở văn phòng đối ngoại của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhận xét rằng Bắc Kinh và Washington vẫn có thể bất hòa vì hai nước có cách lý giải luật pháp quốc tế về vấn đề này khá khác nhau.
"Thành lũy"
Tong Zhao, một nhà phân tích tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua về chính sách quốc tế ở Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc có thể đã quyết định thực hiện chính sách "thành lũy" ở Biển Đông. Bắc Kinh muốn biến Biển Đông thành "ao" của Trung Quốc, được bảo vệ bởi tàu nổi và máy bay, nhờ đó tàu ngầm có không gian để thoải mái di chuyển, Zhao nói.
Bắc Kinh đang tìm cách triển khai thêm tàu sân bay, dường như để tăng cường khả năng phòng thủ ở Biển Đông, ngăn chặn chiến đấu cơ và máy bay tuần tra Mỹ tiến gần đến khu vực, từ đó củng cố "thành lũy" của mình. Tuy nhiên, tàu sân bay có thể bị lực lượng đối phương tấn công và đánh chìm. Vì vậy, Trung Quốc đang suy tính coi đường băng nước này xây dựng tại đảo nhân tạo ở Biển Đông như một tàu sân bay không thể chìm.
Hệ thống tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Trung Quốc không đặt ra đe dọa trực tiếp với Mỹ vì số lượng và tầm bắn của chúng hạn chế. Tuy nhiên, tình hình sẽ thay đổi nếu không kìm hãm việc bồi đắp, cải tạo trên Biển Đông của Bắc Kinh. Nếu Trung Quốc có thể bắn nhiều tên lửa hơn từ tàu ngầm ở Biển Đông và có tiếp tục nâng cấp công nghệ tên lửa tầm xa, thì tên lửa nước này có thể vươn đến Mỹ.
Thực tế, 80% thương mại nước ngoài của Trung Quốc và khoảng một nửa vận chuyển dầu toàn cầu đi qua Biển Đông.Tiếp giáp vùng biển này cũng là những nước láng giềng sẵn lòng mở cửa cho hoạt động hải quân của Mỹ và Ấn Độ. Nếu muốn ngăn không cho Mỹ và hải quân các nước khác tiếp cận khu vực thì Bắc Kinh phải bỏ ra chi phí lớn để triển khai nhiều tàu nổi thường đến khu vực.
Tại nơi có nhiều tàu thuyền di chuyển như Biển Đông thì việc này sẽ làm gia tăng nguy cơ đối đầu giữa các nước, Zhao nói. "Biển Đông ngày càng trở nên đông đúc".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét